ViruSs: 'Không trường lớp nào dạy sáng tạo nội dung'
Streamer ViruSs (Đặng Tiến Hoàng) cho rằng không trường lớp nào giảng dạy nghề sáng tạo nội dung, các KOC, KOL cần tự trau dồi kiến thức và chuyên tâm làm content.
ViruSs là một trong những diễn giả thuyết trình tại phiên hội thảo chủ đề "Chuyển đổi số ngành sáng tạo nội dung", tại nhà thi đấu Quân khu 7, quận Tân Bình, TP HCM, chiều 30/11. Anh trò chuyện với VnExpress về Vietnam iContent mùa đầu tiên, nguyên tắc khi hợp tác nhãn hàng, cách KOC cần cải thiện để tiếp cận người tiêu dùng.
ViruSs: 'KOC cần nâng cao kiến thức'ViruSs nói về Vietnam iContent và nghề sáng tạo nội dung. Video: Duy Phong
- Cảm xúc của anh khi đến Vietnam iContent mùa đầu tiên?
- Tôi rất vui, lâu nay kiếm tiền trên các nền tảng thương mại điện tử, giờ mới có dịp phân tích cho các bạn hiểu về công việc, nghề nghiệp và vị trí của mình cần thiết ra sao.
Cụ thể chiều 30/11, trước hàng nghìn khán giả, tôi có cơ hội thuyết trình bức tranh liên quan KOC (Key Opinion Consumer - người tiêu dùng có ảnh hưởng). Nhiều người đã nghe đến thuật ngữ này, nhưng chưa hiểu sâu. Có lẽ doanh nghiệp cũng tự hỏi: Tại sao họ nên mời KOC, thuê vì lý do gì hoặc chọn người thế nào là phù hợp? Tôi cũng đề cập cách phân biệt KOL (Key Opinion Leader - những người có tầm ảnh hưởng) và KOC.
- Nghề sáng tạo nội dung số vẫn còn khá mới, theo anh, chương trình Vietnam iContent 2024 có ý nghĩa gì?
- Có lẽ không trường lớp nào giảng dạy nghề sáng tạo nội dung. Thời dịch, lĩnh vực này có sức bật mạnh mẽ, sau đó phát triển như vũ bão. Trong bối cảnh ấy, ai cũng có thể theo đuổi nghề sáng tạo.
Đến Vietnam iContent, các bạn sẽ thấy nhiều booth (gian hàng) khác nhau, đa dạng khu trải nghiệm, quy tụ loạt doanh nghiệp hàng đầu, có cả KOL, KOC. Diễn giả, chuyên gia lần lượt thuyết trình về nền tảng, cách tạo nội dung hấp dẫn, làm thế nào xây dựng môi trường số văn minh... Từ đây, chúng ta có thể tích lũy kiến thức, tìm thêm mối quan hệ đối tác mới, về phát triển kênh của mình.
Bên cạnh đó, rất cảm ơn những chương trình thế này, vừa mang đến góc nhìn mới, vừa giúp mọi người an tâm hơn khi các nền tảng đã được Chính phủ công nhận. Đặc biệt, sự kiện có sự chỉ đạo trực tiếp của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông. Người làm nghề như tôi cũng phấn khởi, cứ yên tâm phát triển công việc của mình.
Hy vọng năm sau, Vietnam iContent vẫn tiếp diễn, mang đến trải nghiệm tuyệt vời và loạt sự kiện bên lề ý nghĩa.
Streamer, nhà sáng tạo nội dung ViruSs (Đặng Tiến Hoàng). Ảnh: NVCC
- Từ game thủ, streamer đến vai trò KOC, anh đã trưởng thành ra sao và khác gì so với ngày đầu?
- Thực ra ngay từ bé, tôi bén duyên và dành phần lớn thời gian học nhạc. Sau này, tôi trải qua chặng đường khá dài, chuyển từ vai trò game thủ, streamer, bình luận các giải eSports đến KOC, thậm chí thực hiện những video reaction bình luận về video ca nhạc mới ra mắt).
Với tôi, không quan trọng ngành nghề yêu thích, mà thời thế lúc đó, mình phải trau dồi thông tin ra sao. Tôi phải học rất nhiều thứ: từ cách đứng bán hàng; tìm hiểu, đọc kỹ nét đặc trưng từng sản phẩm và thao tác nhất định trong các buổi livestream.
Ban đầu, tôi nghĩ nghề KOC sẽ giống MC, streamer nhưng thực tế lại không phải, khác hoàn toàn. Từ lúc trở thành KOC,Go88 vin App tại tôi gần như biết tất cả tác vụ của máy sấy, máy giặt, thiết bị lau nhà, cách pha trà gừng ngon...
- Nhiều người cho rằng KOC phải trải nghiệm trực tiếp sản phẩm mới có thể tư vấn, thuyết phục người dùng. Tuy nhiên có không ít trường hợp vì nhận tiền từ nhãn hàng, buộc phải nói tốt về món đồ ấy. Anh nghĩ sao về quan điểm này?
- Phần lớn không có sản phẩm nào toàn vẹn, được cái này sẽ mất cái kia, tùy vào giá bán. Với những món mọi người yêu cầu giá rẻ, thì chất lượng sẽ không thể quá cao. Chỉ cần không ảnh hưởng sức khỏe, an toàn, tôi sẽ nói điểm hạn chế, diển hình là chỉ dành cho độ tuổi nào, không nên dùng thời điểm này. Tôi sẽ tập trung nhấn mạnh: trường hợp nào, người mua nào cần thiết với sản phẩm đó.
- Khi nhận lời quảng bá sản phẩm hay hợp tác với nhãn hàng, doanh nghiệp, anh đề cao nguyên tắc gì?
- Tôi quảng bá khá nhiều thứ, nhưng mạnh nhất về công nghệ. May mắn mảng này không ảnh hưởng sức khỏe, chỉ xoay quanh các vấn đề di chuyển, sử dụng thế nào và bảo hành ra sao.
Với kinh nghiệm vừa là game thủ, vừa là nhà đầu tư và sở hữu công ty về phần cứng, tôi nắm toàn bộ thông tin công nghệ, làm sao giúp người mua chọn đúng sản phẩm đúng, ưng ý, vừa khả năng tài chính.
ViruSs nhiều lần được đề cử top streamer châu Á, hút lượng theo dõi lớn. Ảnh: NVCC
- Theo anh, KOC cần làm gì để nâng cao khả năng và tiếp cận nhiều người tiêu dùng hơn nữa?
- Tôi nghĩ các KOC cần tập trung hai thứ: một là kiến thức, trải nghiệm về cuộc sống và tất cả ngành hàng; tiếp đó là tranh thủ, chuyên tâm làm content (nội dung), lúc ấy người mua mới hình dung ra bạn là ai, có chuyên môn, thế mạnh gì, từ đó mới có thể tạo lòng tin với họ.
Tôi bán đồ ăn, thời trang không giỏi, bởi ai cũng biết tôi xuất thân game thủ, điều hành công ty về phần cứng, do đó nói về máy tính, điện thoại hay thiết bị điện tử, mọi người sẽ tin hơn.
- Phía người tiêu dùng cần lưu ý gì?
- Trước sự bùng nổ của sàn thương mại điện tử, tôi chân thành mong mọi người cái nào cần thiết hãy mua. Thực tế, tôi cũng là người tiêu dùng, đôi khi mua nhiều hơn dự tính vì thấy hời nhưng không dùng đến. Tiếp đó, bạn nên chọn lựa sản phẩm đúng nhu cầu bản thân, rẻ quá cũng khó tốt. Có thể ưu tiên giá hời nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng.
Đông Vệ
ViruSs tên thật Đặng Tiến Hoàng sinh năm 1990, từng là đội trưởng Hanoi Dragons - đội tuyển Liên Minh Huyền Thoại có tiếng trong nước. Sau khi rẽ hướng thành streamer, bình luận các giải eSports, anh đạt nhiều thành tựu nhờ kinh nghiệm thi đấu dày dặn, kiến thức chuyên sâu về Liên Minh Huyền Thoại cùng sự hài hước. Có những buổi phát sóng, fan dành cho ViruSs mức donate (quyên góp) đến 100 triệu đồng. Anh còn nhiều lần được đề cử top streamer châu Á, hút lượng theo dõi lớn.
Bên cạnh chơi game, anh còn thực hiện những video reaction (bình luận về video ca nhạc mới ra mắt). ViruSs cũng tham gia viết nhạc, hợp tác trong loạt hit Thằng điên, Trời giấu trời mang đi, Hơn em chỗ nào..., đồng thời góp mặt trong một số game show, phim ngắn, kinh doanh...